Cha mẹ Việt ơi, đừng bao bọc con quá mức

0
445

Mình thấy rất nhiều ông bố bà mẹ ở Việt Nam bảo bọc con quá mức, việc gì cũng không để con động vào, lo sợ khi con ra khỏi vòng tay của bố mẹ sẽ không an toàn. Điều này không chỉ khiến trẻ hình thành tính ý lại, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến tính độc lập của trẻ.

Nguyên nhân của việc bao bọc con quá mức

Một người chị của mình có con đã lên 9 tuổi kể rằng, hai vợ chồng không dám cho con làm việc nhà, nấu bếp vì sợ con động vào dao sẽ đứt tay, té ngã, bị thương…., thậm chí dù nhà gần trường nhưng 2 vợ chồng vẫn thay nhau đưa đón con đi học và dự tính sau này con lớn lên sẽ vẫn vậy. Với chị, con chỉ việc tới trường học tập, về nhà làm bài ăn uống nghỉ ngơi, có như vậy chị mới yên tâm.

Mình hiểu, những hành động bảo bọc con quá mức của chị cũng giống như của nhiều ông bố bà mẹ khác, xuất phát từ nỗi sợ hãi những chuyện nguy hiểm sẽ đến với con, sợ con không đủ sức đối đầu với khó khăn dù là nhỏ nhặt nhất. Dẫu biết rằng xã hội bây giờ phức tạp, rất nhiều tin tức về kẻ xấu xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, khiến chúng ta cảnh giác. Tuy nhiên cảnh giác không có nghĩa là lúc nào cũng theo sát con cái 24/24, chúng ta cần dạy trẻ tự lập và biết đối mặt với những tình huống đó. Và điều cần thiết trước mắt, chính là dạy trẻ biết tự lập từ khi còn nhỏ.

Hậu quả của việc cha mẹ bao bọc con quá mức

Thời điểm một tháng trước, khi các tân sinh viên nhập học, mình thấy trên mạng có thông tin một bạn tân sinh viên phải bỏ học về quê vì quá nhớ gia đình, không thể sống xa bố mẹ. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ông bố, bà mẹ cần biết. Khi con là sinh viên, có nghĩa là đã đủ 18 tuổi, đủ tuổi trưởng thành, nhưng lại không thể sống xa gia đình, không thể sống một mình trên thành phố. Lỗi đầu tiên thuộc về bố mẹ, có lẽ nào bố mẹ đã bao bọc con quá mức, có lẽ nào con chưa có được kỹ năng sống một mình, làm việc một mình.

Con sẽ không phát triển khả năng tự chủ, tự lực trong cuộc sống: Bố mẹ luôn làm tất cả mọi việc cho con, và việc của chúng là hưởng thụ những gì đã được làm sẵn. Việc này khiến con không có khả năng tự làm một việc gì dù là nhỏ nhặt nhất. 

Con không phát huy khả năng tự tin và kỹ năng giải quyết vấn đề: Vì con luôn chịu sự giám sát của người lớn, nên khi có vấn đề gì xuất hiện cần chúng giải quyết, chúng sẽ luôn ỷ lại, đợi lời khuyên hoặc nhờ cậy bố mẹ giúp đỡ. Nếu trẻ không tự mình giải quyết vấn đề, lâu dài sẽ gặp vấn đề khó khăn trong việc tự suy nghĩ, và quen với sự sắp đặt của bố mẹ. Khi lớn lên, khi không còn sự bao bọc của bố mẹ, trẻ dần mất tự tin, không thể tự mình đưa ra quyết định cho những việc quan trọng.

Con khó có thể chấp nhận rủi ro: Vì mọi việc đều được người lớn chỉ sẵn, và phần lớn sẽ được giải quyết một cách tốt nhất, nên khi trẻ tự mình làm một việc mang lại rủi ro, trẻ sẽ khó chấp nhận, không thể có tính kiên cường, đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Những cú ngã khi đi xe đạp sẽ khiến bạn biết đi xe, chính vì vậy, khi để trẻ đương đầu với những khó khăn khi còn nhỏ, dần dần trẻ sẽ hình thành thói quen “kháng sợ hãi”. Bố mẹ hãy mạnh dạn để trẻ phiêu lưu với những thử thách mới, cho trẻ đương đầu với rủi ro để trẻ trưởng thành.

Những đứa trẻ sẽ chẳng thể nào lớn được, nếu như ngay từ nhỏ bố mẹ đã quá nuông chiều. Chúng sẽ ngày càng ỷ lại, khi ra ngoài xã hội sẽ sợ hãi, co cụm và chẳng thể xử lý những rắc rối mà chúng gặp phải. Phương pháp dạy con tự lập không cần để đến khi con lớn rồi mới cần uốn nắn. Bố mẹ cần dạy con có tính tự lập từ ngay khi còn nhỏ. Bài viết sau, mình sẽ mách các bậc phụ huynh những cách làm sao để dạy con tự lập ngay từ khi còn nhỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây