Kỹ năng nhận biết các con số và xem giờ đồng hồ

0
331

Khi trưởng thành, chúng ta coi khái niệm thời gian và xem đồng hồ là một hành động hiển nhiên và thực hiện chúng trong vô thức. Tuy nhiên, việc dạy trẻ em cách đọc thời gian là một công việc không đơn giản và đòi hỏi phải có phương pháp đúng đắn.Dạy trẻ xem đồng hồ sẽ giúp trẻ có khái niệm về thời gian và có ý thức quản lý thời gian tốt hơn. Cha mẹ cùng tham khảo 5 bước sau để giúp con tập xem đồng hồ dễ dàng ngay từ khi còn nhỏ nhé! 

  1. Dạy con cách đếm số 

Cha mẹ nên dạy con cách xem đồng hồ khi trẻ đã có thể đếm số thành thạo. Nếu trẻ vẫn chưa nắm rõ về số đếm, hãy giúp con làm quen và đếm số trôi chảy thông qua những thứ gần gũi thường ngày quanh bé. Ví dụ: cùng con đếm số trái cây cần mua khi đi siêu thị, đếm số bát đĩa có trên bàn ăn,…Bằng cách tiếp cận này, trẻ sẽ dễ dàng ghi nhớ các con số. 

Bên cạnh đó, khi bé đã hiểu và phân biệt được số, cha mẹ hãy tiếp tục dạy con đếm đến 60. Việc này có thể mất ít thời gian nhưng cha mẹ hãy kiên nhẫn cho đến khi bé có thể đếm chính xác từ 1 đến 60 trong một lần. Sau khi bé có thể ghi nhớ các con số thì việc xem đồng hồ sẽ dễ dàng hơn. 

  1. Làm quen với các buổi trong ngày 

Đồng hồ chỉ hiện 12 giờ trong ngày. Vì vậy, trẻ có thể sẽ bối rối khi phải phân biệt giữa 14 giờ và 2 giờ chiều. Thay vì dạy trẻ ngay về thời gian chi tiết, cha mẹ hãy bắt đầu bằng việc giúp con nhận thức được các khái niệm về các buổi trong ngày mà chúng ta thường đề cập đến khi nói chuyện. 

Ở giai đoạn đầu tiên, cha mẹ có thể bắt đầu từ 2 buổi đơn giản nhất là sáng và tối. Sau đó, hãy mở rộng thêm thành các buổi sáng, trưa, chiều, tối và đêm. Những buổi này có thể được trẻ nhận biết nhờ các sinh hoạt diễn ra hàng ngày, chẳng hạn như đánh răng vào buổi sáng, ăn trưa vào buổi trưa, chơi vào buổi tối và ngủ vào buổi đêm. Dần dần và đều đặn như vậy, cha mẹ có thể dạy trẻ thêm về buổi sáng sớm hay buổi chiều muộn, từ đó, giúp trẻ nhận biết về khái niệm các buổi trong ngày. 

  1. Làm đồng hồ thủ công tại nhà 

Giúp con nhận biết và làm quen nhanh với đồng hồ, cha mẹ có thể dạy bé cách vẽ mặt đồng hồ trên giấy: mẹ hãy cắt một vòng tròn bằng giấy và chia thành 4 phần, đánh dấu điểm giữa và các mốc chính (12,3,6,9). 

Bước đầu tiên, hãy giúp con đánh dấu vị trí của 12 giờ bằng bút chì lên đĩa giấy và viết chữ số “1” cho bé. Sau đó hãy để bé tự điền các số tương ứng còn lại và hoàn thành vòng tròn với số “12”. 

Bây giờ, hãy giúp bé gợi nhớ về cách chia 5 số liên tiếp vào các nhóm và yêu cầu con kẻ các vạch nhỏ ở khoảng giữa 2 số đã có trên đĩa, sao cho vạch số 5 luôn trùng với số có sẵn. Việc này cũng sẽ là thử thách đối với trẻ vì bé cần phải chia chúng thành các phần bằng nhau. 

Sau đó cha mẹ nhớ sử dụng bút chì và bút màu cùng lúc để minh họa. Lưu ý với trẻ rằng kim ngắn hơn (bút màu) luôn chỉ số giờ và kim dài hơn (bút chì) luôn chỉ số phút. 

Cho trẻ làm quen sớm với khái niệm thời gian và đồng hồ, sẽ giúp trẻ chủ động hơn trong các công việc hàng ngày phải làm.

  1. Dùng các ví dụ về giờ giấc 

Cha mẹ hãy dùng thời khóa biểu ở trường hoặc lịch xem tivi của con và dùng nó như một ví dụ về thời gian. Khi mới tập làm quen, hãy để bé bắt đầu bằng những mốc thời gian có số phút bằng không, ví dụ như 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ,… 


Ban đầu, cha mẹ hãy chỉnh sẵn kim phút ở số 12 và để bé tự điều chỉnh kim giờ. Sau khi đã quen, cha mẹ có thể để các kim ở những vị trí bất kỳ và đề nghị bé xoay kim về vị trí đúng. Bằng cách này, bé sẽ bước đầu nắm được về khái niệm thời gian một cách dễ dàng hơn. Nhiều cha mẹ còn dùng cả đồng hồ điện tử và so sánh 2 loại đồng hồ để giúp bé hiểu rõ hơn về chúng. 

  1. Tìm hiểu về phút và giây

Dần dần theo thời gian, các bé có thể đọc được giờ đúng cũng như biết rõ về tỷ lệ chia trên đồng hồ. Bây giờ, đã đến lúc trẻ cần hiểu về mối quan hệ giữa mỗi nhóm số với toàn bộ 60 phút và sự đồng bộ giữa kim giây với kim phút. 

Trong giai đoạn này, cha mẹ không nên đi quá chi tiết về cách quy đổi thời gian, vì chúng có thể gây rối cho bé. Chỉ cần để trẻ biết rằng khi kim giây quay được một vòng thì kim phút sẽ dịch một lần và khi kim phút quay được một vòng thì kim giờ sẽ dịch chuyển tới số lớn hơn liền kề trên đồng hồ. 

Nếu không thường xuyên hỏi lại những điều mà cha mẹ đã dạy thì lâu dần trẻ sẽ quên. Vì vậy, cha mẹ hãy nhớ tập cách xem đồng hồ thường xuyên cho con nhé! 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây