Dạy con không phải là cuộc chiến, cha mẹ hãy là người đồng hành cùng con

0
369

Thay vì chửi bới, mắng mỏ hay ngăn cấm các hành động thiếu chuẩn mực của con, các ông bố, bà mẹ hãy lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia với con. Việc mắng chửi chỉ là hành động mang tính áp đặt làm cho khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng lớn hơn mà thôi. Vậy khi con ở tuổi dậy thì, bố mẹ phải làm gì để đồng hành cùng con?

Tuổi dậy thì – cái tuổi “ẩm ương” khó bảo

       Chị Hồng là một bà mẹ có 2 con đang bước vào giai đoạn tuổi dậy thì – độ tuổi ương bướng khó bảo. Đặc biệt là cậu con thứ 2 đang học lớp 8 của chị, có lẽ do bố nuông chiều quá mức nên cậu chàng rất nghiện game từ bé, cậu có thể chơi game quên ăn và không phụ giúp bố mẹ việc nhà hoặc làm bài tập. Dù đã được bố mẹ khuyên nhủ với nhiều hình thức nặng có nhẹ có nhưng cũng chỉ được vài ngày là cậu lại đâu vào đó.

Có những ngày nghỉ con trai chị cày game từ sáng đến 12 giờ đêm, quên ăn quên ngủ. Chồng chị thương quá đành bưng cơm đến tận bàn game cho con. Chị Hồng vì tức giận nên nhiều lần mắng mỏ con “Cả ngày chỉ cắm mặt vào game, sau này lớn lên không ai nuôi được mày, con với cái lớn lên ăn hại chả được cái tích sự gì…”

Cũng có con mới bước vào tuổi dậy thì, con gái của chị Hằng thường có múi giờ học tập và lướt web khác người cũng như nhiều hành động kỳ quặc. Theo lời chị Hằng, con bé không ngủ đúng giờ, thức thâu đêm lên mạng chát chít với bạn bè, nhiều khi đến 2 -3 giờ sáng. Ngược lại vào những cuối tuần con hay ngủ đến giữa trưa mới dậy. Việc ngủ không đúng giờ khiến con gái chị Hằng mệt mỏi, nhiều khi ngủ gật trên lớp. Dạo gần đây chị thấy con đi học hay làm điệu hơn, hay ra ngoài đi chơi với bạn bè hơn. Tìm hiểu ra mới biết rằng con gái chị đã có bạn trai, khi được chị khuyên nhủ con cáu gắt lại: “Mẹ chẳng hiểu gì về bọn con cả” hay “mẹ đừng có lạc hậu như thế”.

Phương pháp dạy con tốt có phải là việc dùng đòn roi hay chửi mắng?

       Ở cái tuổi dậy thì, của trẻ được xác định trong khoảng từ 14 đến 18 tuổi, đây là giai đoạn các con có sự chuyển hóa về tâm sinh lý. Việc một cô bé hay cậu bé lớp 8 tuyên bố có người yêu là điều hết sức bình thường. Thay vì lo lắng con yêu đương sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, phụ huynh hãy mừng vì con phát triển bình thường.

Hay như câu chuyện cậu con trai nghiện game quên ăn quên ngủ của chị Hồng, việc chị chửi con là “đồ ăn hại” không phải là phương pháp giáo dục con tốt. 

     Có lẽ chúng ta vẫn chuyên quên một video rất “HOT” trên mạng xã hội thời gian vừa qua. Một phụ huynh chửi mắng cậu con trai thậm tệ ngoài hành lang trường học trước sự chứng kiến của bạn bè thầy cô. Có lẽ vì túng quẫn quá mà ngay sau khi mẹ bỏ đi, cậu bé đã nhảy ra khỏi hành lang trường và ra đi mãi mãi. Đây là một câu chuyện rất đau lòng mà các ông bố bà mẹ nên rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Có thể khi chúng ta nổi nóng sẽ rất khó để kiềm chế bản thân, dễ dàng làm những hành động khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc dẫn đến trường hợp dại dột hay nặng nề nhất là tự tử. Đến khi đó các ông bố, bà mẹ mới đau khổ, dằn vặt bản thân “giá như lúc đó tôi không làm vậy với con…?”.

Đành rằng bố mẹ cũng là những người bình thường, không phải là những nhà tâm lý giáo dục nên cũng không thể hiểu được tâm lý con trẻ như những chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, cách dạy con quá cứng nhắc và nghiêm khắc của một bộ phận phụ huynh không còn phù hợp với thời buổi hiện nay – khi thời buổi công nghệ 4.0 lên ngôi, trẻ tiếp rất nhiều thông tin đa chiều và nhạy cảm.

Dạy con không phải là cuộc chiến, cha mẹ hãy đồng hành cùng con

      Trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay, các quan điểm sống của xã hội có nhiều sự dịch chuyển đa chiều, nhất là tư tưởng hưởng thụ hằng ngày đã ăn sâu vào tư tưởng của lớp trẻ. Việc dạy con theo tư tưởng của phụ huynh bỗng trở thành một bài toán khó. Thay vì la mắng, sử dụng đòn roi, phụ huynh hãy đồng hành cùng con. Đồng hành là lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với con, biết được những tâm tư nguyện vọng của con và luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc khác thường của tuổi mới lớn.

     TS Trần Thành Nam – Trưởng khoa các Khoa học Giáo dục – Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết. Hầu hết trẻ ở lứa tuổi dậy thì đều ngoan và có ý chí phấn đấu, tuy nhiên có một bộ phận nhỏ các em chưa được ngoan và có một số hành vi chưa làm vừa lòng được cha mẹ. Nguyên nhân của vấn đề này do các em phát triển về tâm sinh lý có sự nhạy cảm với các kích thích xung quanh. Có thể trước đây các em rất ngoan nhưng dạo gần đây tính tình dễ cáu bẳn hơn, cảm thấy bản thân mình tràn đầy năng lượng và có thể làm được tất cả mọi việc, các em có xu hướng muốn thể hiện bản thân, làm những việc có tính mạo hiểm, thách thức. Tuy nhiên, thực tế thì không bởi nguồn lực của các em không cho phép. 

    Ở giai đoạn này, phong cách bố mẹ nói gì các con phải răm rắp nghe theo là chưa phù hợp, thay vào đó, bố mẹ phải học cách tôn trọng, trở thành người đồng hành, hỗ trợ cũng như định hướng cho con.

     Phụ huynh hãy nhẫn nại lắng nghe sở thích, quan điểm của con thay vì sử dụng đòn roi hay la mắng khi con làm sai. Ngoài giờ làm việc bận rộn, bố mẹ hãy tranh thủ khoảng thời gian buổi tối để chia sẻ và tâm sự với con.

Hãy trở thành người bạn khi con học, trở thành người bố, người mẹ hướng dẫn con tận tình khi con làm sai, hướng dẫn con có tính tự lập khi bố mẹ vắng nhà. Bố mẹ cần trang bị cho con càng sớm càng tốt các kiến thức cơ bản về giới tính, hướng cho con có những cái nhìn tích cực về giới tính, tình dục lành mạnh để con có được những hành vi đúng và có trách nhiệm với hành động của bản thân.

Đôi khi bố mẹ đừng kỳ vọng quá lớn vào con, bởi điều này sẽ vô tình tạo áp lực đối với con trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm nhân cách, đạo đức và sở trường riêng, đôi khi con không giỏi ở lĩnh vực này nhưng hoàn toàn có năng khiếu về lĩnh vực khác. Cái các con cần là sự nhẫn nại, bao dung và thấu hiểu của bố mẹ.

     Với trẻ ở tuổi dậy thì, cha mẹ cần có cách giáo dục phù hợp tùy theo sự phát triển tâm sinh lý theo từng giai đoạn của trẻ. Để làm được điều đó, cha mẹ hãy trở thành người đồng hành tin cậy trong quãng thời gian trưởng thành của con, giúp con hình thành và phát triển nhân cách tốt nhất. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây