Phát triển năng lực

Những điểm đáng chú ý trong chương trình GDPT mới mà phụ huynh cần biết

Tăng cường hoạt động học tập và làm việc theo nhóm; đánh giá kết quả bằng quá trình, sự tiến bộ của học sinh; chú trọng hình thành năng lực tư duy là một trong những đổi mới tích cực.

Năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai ở lớp 1. Nếu như trước đây, theo quan niệm của giáo dục truyền thống, việc truyền tải kiến thức được coi là thiết yếu. Giáo viên là người đứng ở vị trí trung tâm của việc truyền tải kiến thức và giảng dạy, học sinh là những người thụ động tiếp thu kiến thức. Cách làm ấy đã kéo dài nhiều năm nay mà vẫn chưa có sự thay đổi. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ chuyển hóa như hiện nay, giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức mới, đòi hỏi phải có sự đổi mới hoàn toàn. 

Chương trình Giáo dục phổ thông mới khuyến khích học sinh vận dụng kết hợp nhiều kỹ năng để giải quyết thực tiễn.

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã ra đời nhằm đáp ứng những yêu cầu cần thiết của xu hướng giáo dục hiện đại. Với chủ trương xây dựng theo mô hình phát triển năng lực toàn diện, mục đích đổi mới của chương trình GDPT mới hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Chú trọng vào các nội dung cần thiết, tạo hứng thú, sở thích cho người học, phù hợp với cách tiếp cận của thế giới ngày nay. Chương trình GDPT mới hướng tới việc tạo sự thích thú, khám phá cho học sinh, mỗi người đều được học theo một cách phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân. 

Học sinh được đặt lên vị trí trung tâm của giáo dục nên cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; chủ động tìm tòi, khám phá những kiến thức mới. Trong đó, các em sẽ được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế; có cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã được học. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh được chú trọng. 

Đối với thay đổi trong sách giáo khoa (sgk) lớp 1 trong năm học này, sẽ có 5 bộ sgk khác nhau được sử dụng trong các trường học. Các bộ sách đều được hội đồng kiểm duyệt kỹ càng về nội dung, hình thức,… bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo chương trình GDPT mới thì mới cho phép phát hành. Nội dung chính trong mỗi bộ sách không có sự khác nhau, chỉ thay đổi ở thứ tự và các chủ đề lớn. Chủ yếu theo ý đồ của người viết, sắp xếp thứ tự khác nhau thì cách khai thác và tiếp cận kiến thức cũng khác nhau. Nhưng với nhiều hình ảnh sinh động, hấp dẫn mỗi bộ sách đều có thêm nhiều hoạt động giúp học sinh tăng cường làm việc nhóm, đảm bảo phát triển tối đa năng lực học sinh. 

Bên cạnh đó, cách đánh giá xếp loại học sinh cũng có sự thay đổi. Theo dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, việc đánh giá kết quả không nặng về điểm số mà coi trọng đánh giá quá trình, sự tiến bộ của học sinh; không so sánh, xếp loại học sinh này với học sinh khác; không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Với những đổi mới tích cực, chương trình GDPT mới đảm bảo hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.